Truyền thống văn hóa
Vùng đất Sơn Lộ có đời
sống văn hóa phong phú và độc đáo. Văn hóa phi vật thể có lễ hội, nghề thủ công
truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng,…
Hội xuân Lồng tồng truyền
thống vào tháng Giêng hằng năm, diễn ra các hoạt động biểu diễn hát then, hát
lượn cọi, múa chuông, múa khèn; thi các trò chơi dân gian như kéo co, tung còn,
lày cỏ, chọi bò, trưng bày mâm cỗ ngày tết. Lễ Khai xuân động đổ (Xuất hành)
bắt đầu mùa năm mới. Lễ hội là nét văn
hóa độc đáo, là dịp để nhân dân các dân tộc trong xã, trong huyện gặp gỡ, giao
lưu, thắt chặt tình đoàn kết, hăng hái thi đua bước vào mùa vụ mới.
Người Tày ở Sơn Lộ có kiến
trúc nhà sàn độc đáo, hiện nay vẫn giữ được kiến trúc mộc mạc và đậm chất truyền
thống. Nhiều ngôi nhà sàn có tuổi đời hơn 40 năm, trụ nhà được làm bằng gỗ.
Trong suốt chặng đường lịch
sử dựng nước và giữ nước, nhân dân vùng đất Sơn Lộ có truyền thống yêu nước,
đoàn kết, kiên cường, đóng góp sức người, sức của vào công cuộc đấu tranh bảo vệ
tổ quốc.
Thế kỷ XIX, chính
sách cai trị của quan quân nhà Nguyễn khiến nhân dân, nhất là nhân dân vùng
biên viễn như Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên... căm phẫn.
Nông Văn Vân, tri châu Bảo Lạc, kêu gọi nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc nổi
dậy chống lại triều đình. Nông Văn Vân xưng là Tiết chế thượng tướng quân, lấy
Vân Trung và Ngọc Mạo làm căn cứ chính, tiến hành nhiều trận đánh lớn. Lo sợ ảnh
hưởng của cuộc khởi nghĩa, triều đình nhà Nguyễn đã điều động nhiều tưởng giỏi
với 6000 quân lên đàn áp cuộc khởi nghĩa. Sau nhiều lần đàn áp không thành,
tháng 10/1834, triều đình nhà Nguyễn huy động một lực lượng lớn, điều thêm viện
binh từ các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, Bắc Ninh, Hải Dương tới ứng cứu
và đàn áp cuộc khởi nghĩa theo 3 hướng tiến lên Cao Bằng. Hướng tiến
quân từ Chợ Rã qua vùng đất Sơn Lộ do Nguyễn Công Trứ chỉ huy. Tháng 3/1835, cuộc khởi nghĩa bị dập tắt. Trong
cuộc khởi nghĩa Nông Văn Vân, Sơn Lộ vừa là địa bàn của nghĩa quân, vừa là nơi
nhân dân địa phương theo ủng hộ nghĩa quân đông đảo. Một
viên tướng của Nông Văn Vân hi sinh, được khiêng xác về đến chôn tại làng Pù
Mô. Hằng năm, vào tháng Ba âm lịch, nhân dân địa phương làm lễ cúng, trong lúc
làm lễ kiêng kị là không được nói tiếng Kinh, không được rửa rau hay bỏ đồ ăn
xuống sông, thức ăn thừa không được mang về nhà.
Năm 1858, thực dân
Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. Tháng 10/1886, thực dân Pháp đánh
chiếm Cao Bằng. Sau khi chiếm được thị xã, chúng đánh toả ra các châu trong tỉnh.
Chúng lập Tiểu quân khu Cao Bằng thuộc Đạo quan binh 2, do tên quan năm người
Pháp điều khiển cả bộ máy hành chính và quân sự. Để làm chỗ dựa cho sự thống trị,
chúng duy trì và củng cố bộ máy chính quyền phong kiến từ tỉnh xuống châu, tổng,
xã và tăng cường lực lượng vũ trang, lập đồn bốt kiểm soát và đàn áp phong trào
cách mạng địa phương.
Dưới áp bức bóc lột
của thực dân Pháp, đời sống nhân dân Sơn Lộ vô cùng cực khổ, điêu đứng. Người
dân phải nộp các loại thuế điền thổ và thuế thân, bị bắt đi lính, đi phu liên
miên; nhiều khi chết đói, chết rét do thiếu ăn, thiếu mặc. Thực dân Pháp và tay
sai thực hiện chính sách "chia để trị", chia rẽ các dân tộc. Chúng
khuyến khích hút thuốc phiện, bần cùng hoá người dân để dễ bề cai trị. Chúng
vơ vét khoáng sản, tài nguyên. Pháp cho xây dựng nhà máy thuỷ điện Nà Han, kéo
điện đến đồn Pháp tại xóm Pù Mô xã Cố Đạo (nay là xã Sơn Lộ) và tiến hành khai
thác vàng sa khoáng.
Sự áp bức, bóc lột
của thực dân Pháp tạo nên mối căm thù sâu sắc của nhân dân các dân tộc Sơn Lộ.
Không cam phận làm nô lệ, nhân dân Sơn Lộ tích cực tham gia các phong trào đấu
tranh chống thực dân phong kiến, giải phóng dân tộc. Phong trào đấu tranh trở
nên mạnh mẽ sau khi có ánh sáng của Đảng soi đường.
Đầu năm 1930, Đảng
Cộng sản Việt Nam ra đời, chấm dứt tình trạng khủng hoảng về đường lối ở nước
ta đầu thế kỷ XX. Từ đây, nhân dân các dân tộc ở Bảo Lạc, trong đó có nhân dân
Sơn Lộ chiến đấu anh dũng dưới ngọn cờ của Đảng.
Thực hiện chủ
trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, đầu năm 1930, Chi bộ Hải ngoại Long Châu cử
đồng chí Hoàng Văn Nọn về Cao Bằng hoạt động để chuẩn bị tiến tới thành lập tổ
chức đảng ở Cao Bằng. Sau một thời gian tuyên truyền, rèn luyện, ngày
01/4/1930, tại Nặm Lìn, xã Hoàng Tung, châu Hòa An, đồng chí Hoàng Văn Nọn thay
mặt Chi bộ Hải ngoại Long Châu, kết nạp hai đồng chí tiêu biểu trong Hội Việt
Nam Cách mạng Thanh niên ở Cao Bằng vào Đảng Cộng sản Việt Nam và tuyên bố
thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Cao Bằng.
Những năm 1930 -
1935, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức đảng, nhân dân Cao Bằng được tập hợp đấu
tranh trong nhiều hình thức tổ chức hội, như Hội Ái hữu, Hội Tương tế, Nông hội
đỏ, Hội làng, Hội bản... Nhiều thanh niên hăng hái tham gia hoạt động cách mạng.
Cao Bằng nhanh chóng trở thành cầu nối liên lạc giữa ban lãnh đạo hải ngoại với
các cơ sở cách mạng ở trong nước. Trong cao trào cách mạng dân tộc dân chủ 1936
- 1939, trước những điều kiện cách mạng trong nước có nhiều thuận lợi, thực hiện
chủ trương của Đảng về chuyển hướng đấu tranh, các tổ chức yêu nước và cách mạng
đã có nhiều hoạt động phát triển hội viên và mở rộng địa bàn hoạt động trong quần
chúng. Dưới ánh sáng của Hội nghị Trung ương tháng 7/1936, phong trào cách mạng
của nhân dân Cao Bằng có những chuyển biến mới, thu hút đông đảo các dân tộc ít người tham gia, dưới sự lãnh đạo
trực tiếp của Tỉnh ủy, của các Ban Châu ủy và chi bộ cộng sản.
Sau khi Chiến tranh
thế giới thứ II bùng nổ (9/1939), cách mạng nước ta bước vào tình thế mới. Ngày
06/11/1939, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 6 tại Hóc Môn, Bà
Điểm (Gia Định) ra nghị quyết về tình hình thế giới, tình hình Đông Dương và về
chủ trương của Đảng; quyết định chuyển hướng chiến lược, đặt vấn đề giải phóng
dân tộc lên trên hết; đánh đổ đế quốc phát xít Pháp - Nhật là nhiệm vụ cấp bách
hàng đầu. Tháng 6/1940, nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng. Nhân cơ hội này,
phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương. Nhân dân ta lại phải rên xiết dưới hai tầng
áp bức của phát xít Pháp - Nhật. Nhưng ách áp bức bóc lột càng nặng nề thì tinh
thần và khát vọng đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta lại càng dâng
cao. Trước tình thế mới của cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định trở về
Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo phong trào.
Tháng 5/1941, Hội
Nghị Trung ương lần thứ tám, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì đề ra nhiệm vụ
chủ yếu trước mắt là giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân. Hội
nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt
Minh; đề ra chủ trương sửa soạn khởi nghĩa vũ trang; quyết định duy trì và phát
triển cơ sở du kích Bắc Sơn - Võ Nhai, đồng thời ra sức củng cố, mở rộng cơ sở ở
Cao Bằng, xây dựng những nơi đó làm trung tâm của việc chuẩn bị vũ trang khởi
nghĩa tại Việt Bắc về sau. Có thể nói, một thời kỳ cách mạng mới đang mở ra trước
mắt nhân dân các dân tộc Sơn Lộ nói riêng và nhân dân Bảo Lạc nói chung.
Cuối năm 1941,
phong trào Việt Minh đã xuất hiện ở nhiều nơi thuộc châu Bảo Lạc. Các tổ chức cứu
quốc và hội viên các hội cứu quốc phát triển mạnh, nhất là ở những nơi có chi bộ
đảng. Các hội viên và các cơ sở tổ chức Việt Minh được chú ý phát triển ở các
xã cả vùng thấp và vùng cao, trong các dân tộc như Kinh, Tày, Nùng, Mông, Dao.
Sự phát triển sâu rộng của các đoàn thể Việt Minh tạo điều kiện cho sự ra đời
và phát triển của các đội vũ trang chiến đấu trên vùng đất Bảo Lạc.
Tháng 4/1942, lãnh
tụ Hồ Chí Minh từ Pác Bó xuống Lam Sơn (Hòa An), nơi đặt cơ quan của Tỉnh ủy
Cao Bằng. Sau khi kiểm tra phong trào Việt Minh ở 3 châu là Hà Quảng, Hòa An,
Nguyên Bình, Người quyết định mở các tuyến đường “Nam tiến”, phát triển phong
trào cách mạng theo 3 hướng. Thực hiện chủ trương này, mùa Hè năm 1943, cuộc
Nam tiến được thực hiện. Bảo Lạc cùng với căn cứ địa của Cao Bằng đã được các đội
xung phong Nam tiến nối liền với các khu du kích và xa hơn là mở ra khả năng nối
liền với các tỉnh có phong trào cách mạng đang phát triển mạnh, gắn phong trào
cách mạng của Bảo Lạc cũng như của Cao - Bắc - Lạng với phong trào cách mạng của
cả nước. Phong trào cách mạng trên địa bàn Sơn Lộ nhận được những ảnh hưởng
tích cực từ bối cảnh chung. Trên địa bàn xã Cố Đạo có 2 nhóm cán bộ Việt
Minh đến từ các châu Hà Quảng, Nguyên Bình. Nhóm 1 do đồng chí Hùng Quốc phụ
trách, được đồng chí Hoàng Thị Bình (người Hà Quảng) dẫn đến xóm Khưa Lốm tổ chức
họp mặt để tổ chức Việt Minh với sự có mặt đồng chí Kim Quý, sau đó mở rộng
thêm các đồng chí Quang Sinh, đồng chí Lộc…. Nhóm 2 do các đồng chí Hồng Đào, đồng
chí Minh ngọc, đồng chí Giáp, đồng chí Sơn Lộ, đồng chí Mỹ Liên châu Hoà An,
châu Hà Quảng về tổ chức tại khu vực Thái Học, Vĩnh Quang, rồi đến tổ chức ở
khu vực Lũng Thôm. Người địa phương tham gia gồm: Ma Văn Vương, Anh Văn Đoan
(bí danh Thống), Lục Thị Quý (bí danh Ngọc Liên).
Ngày 22/12/1944, thực
hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân
được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, Nguyên Bình. Ngay sau khi thành lập,
Đội đã tổ chức những trận đánh vang dội tại Phai Khắt, Nà Ngần. Đồng thời, đẩy
mạnh tuyên truyền cách mạng, tuyên truyền vũ trang ở nhiều cơ sở trong vùng,
trong đó có châu Bảo Lạc.
Đầu năm 1945, tình
hình khu phố Trung Mang (khu phố Bảo Lạc) hết sức phức tạp. Thực dân Pháp bắt đầu
rút khỏi khu phố theo đường Cốc Pàng - Lũng Làn - Mèo Vạc. Bọn Nhật, Quốc Dân Đảng
và các toán phỉ hoạt động vùng biên giới và bọn thổ ty ra sức hoạt động quấy
phá. Một số người Hoa ở Nước Hai - Hòa An lợi dụng tình hình tràn vào khu phố,
dựa vào một số gia đình người Hoa giàu có để tuyên truyền, lôi kéo người dân Bảo
Lạc gia nhập tổ chức Nam Dương Hoa kiều hiệp hội. Từ tháng 3/1945 đến tháng
5/1945, bọn Châu đoàn Chài, tay chân của thực dân Pháp vẫn nghênh ngang trên phố
Bảo Lạc và nắm bọn lính dõng toàn châu Bảo Lạc. Chúng dựa vào vũ khí, lương thực
của Pháp để lại, tổ chức cho tay chân truy lùng và sát hại cán bộ Việt Minh.
Sự khủng bố của kẻ
thù không ngăn cản được làn sóng đấu tranh của quần chúng và lực lượng vũ trang
tuyên truyền. Tiếp theo tiếng súng Phai Khắt, Nà Ngần, vào đêm mùng 4 rạng sáng
ngày 05/02/1945, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, được sự hỗ trợ tích
cực và hiệu quả của nhân dân các dân tộc ở Bảo Lạc, trong đó có nhân dân xã Sơn
Lộ, đã tấn công đồn Đồng Mu, diệt nhiều tên địch, thu súng và đạn dược. Trong
trận đánh này, đồng chí Hoàng Văn Nhủng (bí danh Xuân Trường), quê ở Sóc Hà, Hà
Quảng, đã anh dũng chiến đấu và hy sinh, trở thành liệt sĩ đầu tiên của Quân đội
nhân dân Việt Nam. Từ kết quả phong trào cách mạng tại địa phương, nhất là
phong trào vũ trang tự vệ đã phát triển, Đội tự vệ châu Bảo Lạc được thành lập,
đội vũ trang tập trung đầu tiên của châu Bảo Lạc, tiền thân của lực lượng vũ trang
huyện Bảo Lạc ngày nay.
Cùng với những hoạt
động của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, các đội tự vệ trong xóm, bản,
tổng, xã ở Sơn Lộ và các địa bàn khác của Bảo Lạc cũng đẩy mạnh hoạt động. Đến
năm 1945, ở xã Đồng Mu (nay thuộc xã Xuân Trường), phong trào cách mạng phát
triển mạnh trong các tầng lớp nhân dân. Đó là cơ sở quan trọng để hình thành
nên tổ chức cộng sản đầu tiên ở Bảo Lạc. Ngày 15/4/1945, Chi bộ cộng sản đầu
tiên ở châu Bảo Lạc đã ra đời tại hang Trông Nhìa Hậu, xóm Lũng Sâu (nay thuộc
xã Hồng An). Sự ra đời của chi bộ cộng sản đầu tiên của Bảo Lạc đánh dấu thời kỳ
phát triển mới của phong trào cách mạng ở châu Bảo Lạc, trong đó có vùng đất
Sơn Lộ.
Sau khi Nhật đảo
chính Pháp (09/3/1945), tình thế cách mạng nhanh chóng xuất hiện trên toàn tỉnh
Cao Bằng. Đến tháng 4/1945, quân Nhật đã chiếm giữ các vị trí quan trọng trên
toàn tỉnh. Trước hoàn cảnh đó, chấp hành sáng tạo những chủ trương của Liên Tỉnh
ủy Cao - Bắc - Lạng, lực lượng vũ trang ở Bảo Lạc đã có những hoạt động binh vận
thành công đáng kể, nhất là với những người Pháp đang hoang mang, dao động hoặc
rút chạy trước sự tấn công của quân Nhật. Ở khu phố Bảo Lạc, cán bộ Việt Minh
đã hoạt động công khai, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của
Mặt trận Việt Minh. Cùng với hoạt động tấn công quân Nhật trên địa bàn, công
tác tiễu phỉ được lực lượng vũ trang địa phương coi trọng.
Dưới sự lãnh đạo của
các tổ chức đảng và các đoàn thể cứu quốc của Việt Minh, một số xã ở Bảo Lạc tiếp
tục giành chính quyền thắng lợi. Cùng với xã Nặm Quét (nay thuộc xã Cô Ba); và
các địa bàn thuộc xã Huy Giáp và Bảo Toàn ngày nay, vùng đất Sơn Lộ giành chính
quyền thắng lợi, thành lập chính quyền cách mạng, mở ra một thời kỳ cách mạng mới
đối với đồng bào các dân tộc Sơn Lộ trên con đường đi tới ấm no, hạnh phúc.